Thời gian đăng: 17-02-2016 11:33 | 315 lượt xemIn bản tin
QUÊ NGOẠI TÔI
(Phần 4)
Hàng dừa
Nhà ông bà ngoại tôi có một hàng dừa hơn chục cây, hình như đến nay đã trên nửa thế kỷ. Những cây dừa bây giờ đã cao bằng nóc nhà 3 tầng của anh tôi, là nơi đã gắn với tôi nhiều kỷ niệm. Nhớ những đêm trăng sáng, gió từ biển thổi mát rượi, các cô gái thôn quê tóc dài tụ họp bên những rặng dừa. Trên tay mỗi người là một chiếc nón, miệng nói, mà tay vẫn chằm nón thoăn thoắt...thế mà thẳng hàng, thẳng lối mới tài. Khi nông nhàn, hầu như nhà nào trong làng cũng làm nón, lá nón phải vào tận Kỳ Anh (Hà tĩnh) mua về. Nón ở Chợ Bùi, Chợ Bể phần lớn là do các mẹ, các chị làng tôi làm ra. Mỗi tháng có 4 phiên chợ chính, mỗi nhà cắp mươi lăm chiếc ra chợ, trưa về có món thức ăn tươi cùng cút rượu cho chồng.
Những đêm trăng sáng ấy, các chị tôi ngồi bên đàn giữa lợp nón, xung quanh là các anh trai làng từ các xã bên kéo sang. Gió từ biển lên, thanh niên tụ tập lại hò hát, nói chuyện làng, chuyện xã, có anh chỉ ngồi im lặng ngắm các chị tôi...rồi tình yêu lớn dần lên.
Lũ trẻ chúng tôi thường được ông ngoại sai đi hái dừa. Tôi dân thành phố lóng ngóng nên được phân công làm nhiệm vụ "vận chuyển" từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ. Trong khi đó, các anh tôi thoắt một cái đã leo đến tận ngọn, thì tay xoáy mấy vòng là cả buồng rơi phịch xuống đất. Nước dừa phải uống vào buổi sáng mới ngọt...Dừa Thanh hóa ngọt lừ, nên khi uống chẳng cần cho thêm đường vào nữa. Chúng tôi ăn cùi dừa với bánh đa, thứ bánh đa Chợ Bùi to và dày ấy khiến bụng đứa nào đứa nấy đều no căng.
Bao giờ, đầu sân nhà cậu tôi cũng có một đống lớn tàu dừa, xơ dừa...dùng làm chất đốt. Nấu bằng củi dừa lửa đượm và tỏa thơm.
Nói đến Quảng Đại, nhiều người nhắc đến ông Phó Sự, bởi ông tôi thương người, bà con con xóm, ai thèm đến xin quả dừa về cho trẻ con, ông ngoại tôi đều rộng bụng đồng ý.