Thời gian đăng: 17-02-2016 11:35 | 364 lượt xemIn bản tin
QUÊ NGOẠI TÔI
(Phần 1)
Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo ven biển, xứ Thanh. Ngày tôi sinh, ông ngoại kể lại, pháo hạm của tàu chiến hạm đội 7 bắn vào đất liền suốt cả ngày. Những tàu dừa trúng đại bác giặc, xạc xuống gốc nhưng ngọn vẫn mọc thẳng lên trời. Trong một lần về thăm quê, chỉ xuống gốc một cây dừa nằm bên cạnh bờ ao, ông ngoại nói: đó là nơi chôn rau của cháu.
Quê tôi nghèo. Quảng Xương là một trong những huyện đồng bằng nghèo nhất của tỉnh Thanh, xã tôi lại nằm chót huyện. Đã hơn 30 năm, sau ngày giải phóng hoàn toàn đất nước mà có người chưa đi xa khỏi thị trấn Lưu Vệ. Nhiều gia đình ngoại trừ giỗ, chạp mới được miếng thịt gà, còn quanh năm mâm cơm chỉ độc mấy con cá biển bằng hai ngón tay và mớ rau tập tàng trong vườn.
Quê tôi nghèo. Không phải bà con lười nhác, mà do đất thì chật, người thì đông, thủy lợi không thuận, nghề phụ chưa mấy phát triển. Cánh đồng Bái quê tôi không rộng cánh cò bay kiểu “Nắng cánh đồng Nưa, mưa cánh đồng Triều” như của Nông Cống. Một nửa xã ven biển làm nghề chài lưới, bà con cũng không có đủ tiền để sắm thuyền đánh bắt cá xa bờ mà phải dùng những ống luồng già ghép thành những chiếc mảng nhỏ quanh quẩn kiếm con cá gần bờ. Đàn bà, con gái ở nhà thì tham gia kéo rồng, chạy chợ bán dăm con cá vặt, mớ moi tươi. Nửa xã còn lại làm ruộng, có những mảnh nằm tận trên đường 4 chạy từ Ngã ba Môi vào. Hơn 20 năm, con đường liên huyện vẫn chỉ có đá và đất, trơ gan cùng nắm mưa mà không có kinh phí khoác một lớp nhựa mỏng.
Gia đình ngoại tôi thuộc hàng trung nông trong xã. Nghe người làng kể, ngày xưa ngoại tôi khỏe lắm, khi còn thanh niên tranh cướp nhau con diều thuyền với thanh niên Xóm bể, mình ông đánh lộn thắng ba, bốn người cùng trang lứa. Ông kể, ngày trước khi đi bán bò trên chợ tỉnh, khi trở về ông tranh thủ gánh 2 đầu 2 bao xi măng nặng 50 kg. Về đến làng, ai cần xi măng, ông bán lại kiếm thêm đồng tiền rau. Nghĩ đến cảnh cõng trên vai ngót 1 tạ đi bộ 16-17 km, mấy đứa cháu chúng tôi không khỏi rùng mình. Làm nhiều, nói to và ăn khỏe, nên ông sống trọn 100 tuổi mới đi về với ông bà tổ tiên.