Thời gian đăng: 10-02-2023 14:04 | 63 lượt xemIn bản tin
TRƯỜNG TIỂU HỌC TRUNG TỰ
BÀI DỰ THI
Viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phong trào
thi đua yêu nước, “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”
ngành Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa năm 2022 – 2023
NGƯỜI NÂNG CÁNH NHỮNG ƯỚC MƠ
Có ai đó đã từng nói: “Thật đơn điệu biết bao nếu cuộc sống này thiếu hẳn những “bóng hồng” – người phụ nữ. Họ vinh dự sở hữu cái đẹp thiên phú và cái đẹp ấy được sinh ra là để tô đẹp cho đời”. Thật vậy, phụ nữ luôn được ví là phái đẹp của nhân loại. Hay nói cách khác, mỗi phụ nữ được ví như một đóa hoa và theo tôi, đóa hoa ấy dù lung linh sặc sỡ hay nhợt nhạt đơn điệu thì nó vẫn mang một vẻ đẹp riêng nếu nó biết phát huy được trọn vẹn cái đẹp tinh túy mà thiên nhiên ban tặng cho nó. Một phụ nữ đẹp hiện đại là người biết chọn lọc được những tinh hoa của nhân loại và không ngừng phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong xã hội ngày nay, hòa nhập vào sự phát triển của thế giới, phụ nữ Việt Nam ngày càng biết hoàn thiện bản thân hơn: tự tin, năng động, sáng tạo và gặt hái được những thành quả đáng tự hào.
Tôi xin giới thiệu một tấm gương, một vẻ đẹp tiêu biểu trong số những người phụ nữ tuyệt vời mà tôi biết, ngưỡng mộ và kính trọng. Người phụ nữ ấy chính là cô Ngô Phi Khanh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Tự - Quận Đống Đa – Hà Nội, người mà theo tôi hội tụ đủ vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam - vừa mang phong cách hiện đại vừa đậm nét truyền thống.
Năm 1991, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm tiểu học, cô Khanh được phân công giảng dạy tại trường Tiểu học Thịnh Quang - Quận Đống Đa. Ngày ấy, tôi chưa được biết cô nhưng qua những tấm ảnh cũ, tôi đoán chắc cô là cô giáo trẻ nhiệt huyết, luôn hết lòng vì học trò.
Tôi được nghe bạn bè của cô kể lại, với chiều cao hơi khiêm tốn nhưng cô Khanh là người có tác phong nhanh nhẹn, phong cách bình dị, gần gũi, chan hòa. Cô có đôi mắt sáng, nụ cười tươi tắn và luôn say sưa với công việc. Với tình yêu nghề cùng năng lực chuyên môn vững vàng, năm 2006, cô Khanh được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng và năm 2012 làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Thường Kiệt. Và từ năm 2014 đến nay, cô là Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Tự. Cô có thâm niên công tác trong ngành giáo dục với 31 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Từ một giáo viên trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, trở thành một cán bộ quản lý giỏi là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của cô.
Với cương vị là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cô luôn phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành của địa phương, đề cao trách nhiệm chủ động trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chú trọng việc “học tập” đến “làm theo” từ đó tạo ra chuyển biến rõ nét về nhận thức trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên và quần chúng trong trường học. Cô đã chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành giáo dục, trong đó nổi bật là phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... Từ những lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng đầy trách nhiệm đến những cử chỉ nhỏ nhất trên sân trường như: tự tay nhặt giấy loại bỏ vào thùng rác, tạo thành thói quen cho mỗi thầy cô giáo, học sinh nhà trường; đến thiết kế trồng, chăm sóc, bảo vệ bồn hoa cây cảnh, vườn rau trong khuôn viên nhà trường; đôn đốc, hướng dẫn mỗi thầy, cô giáo, học sinh học theo Bác tiết kiệm sử dụng điện, nước…, cô đều quán triệt và gương mẫu thực hiện.
Để giúp lực lượng giáo viên tích cực đổi mới các phương pháp dạy học, Cô rất chú trọng biện pháp đẩy mạnh hoạt động tổ chuyên môn để tác động mạnh mẽ trực tiếp đến giáo viên dạy lớp vì theo cô giáo viên là người quan trọng để quyết định hiệu quả giáo dục. Và khi có dịp tham dự các lần sinh hoạt, cô luôn gợi mở, gần gũi để chia sẻ, giúp đỡ giáo viên về cách vận dụng các phương pháp dạy học mới; đồng thời, cô luôn làm tốt vai trò người hướng dẫn thảo luận đánh giá tiết dạy. Qua đó, giáo viên tích cực phát huy những ưu điểm cũng như tìm ra các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Chính vì thế, hoạt động chuyên môn của nhà trường đã đi vào nền nếp và không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy.
Cô luôn gương mẫu trong mọi hoạt động, gần gũi và luôn tận tình giúp đỡ đồng nghiệp về kiến thức chuyên môn cũng như tâm tư tình cảm. Tôi không dưới một lần thấy cô nhiệt huyết chia sẻ phương pháp dạy học cũng như các tính huống sư phạm với đồng nghiệp trong giờ nghỉ giải lao. Luôn chia sẻ với đồng nghiệp, cùng vui, cùng trò chuyện và chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống. Luôn động viên tinh thần cho CB – GV – NV trong nhà trường để hoàn thành tốt nhiệm vụ ở trường cũng như ở nhà.
Ngoài lĩnh vực chuyên môn, cô luôn quan tâm đến hoạt động nhân đạo của nhà trường. Với bản tính của một người luôn đề cao chữ “tâm” cùng với chữ “thiện”, ngoài việc chăm lo cho các học sinh lớp Khuyết tật, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường, cô luôn là người đi đầu vận động ủng hộ các công tác từ thiện như ủng hộ đồng bào lũ lụt, ủng hộ giáo dục vùng sâu vùng xa, ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, ủng hộ “Vì Trường Sa thân yêu”... Với những hoạt động thiết thực đó, cũng là những bài học dạy cho học sinh trong nhà trường tính trung thực và lòng nhân ái.
Là một người quản lý là nữ giới, việc cơ quan bận trăm công nghìn việc nhưng cô vẫn luôn chu toàn việc nhà. Cô luôn sống mẫu mực làm gương cho các con. Cô luôn bao dung, vị tha, gần gũi, động viên khi các con mệt mỏi, buồn phiền nhưng rất nghiêm khắc, không chiều chuộng bỏ qua những sai lầm của trẻ. Vừa hoàn thành công tác giáo dục vừa đảm nhiệm xuất sắc vai trò của người phụ nữ trong gia đình, cô đã gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống và trong sự nghiệp giáo dục. Có dịp nhìn lại những chặng đường cuộc đời và sự nghiệp mà cô đã đi qua làm tôi nhớ tới câu nói “Cả cuộc đời của người phụ nữ là một bài lịch sử về những yêu thương”.
Thật vậy, chính vì lòng yêu nghề, yêu thương con người và yêu quý gia đình đã giúp người phụ nữ ấy có đủ sức mạnh và nghị lực vượt qua khó khăn làm nên nhiều điều kỳ diệu như vậy. Cô luôn là tấm gương sáng cho CB – GV – NV và học sinh trường Tiểu học Trung Tự noi theo. Một Nhà giáo “Chân ái” trong thời kỳ đổi mới, nâng cánh những ước mơ của biết bao thế hệ học trò.
Người viết
Nguyễn Thị Đãi
Giáo viến Khối 2 - Trường Tiểu học Trung Tự