Bộ trưởng 'phỏng vấn' giáo viên về triển khai chương trình, SGK mới
Thời gian đăng: 09-02-2023 10:10 | 22 lượt xemIn bản tin
Chiều 8/2, giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, SGK, đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đã khảo sát, làm việc tại Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội).
Trường đoàn giám sát là bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Trong các thành viên đoàn giám sát có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Đại diện lãnh đạo Vụ Trung học (Bộ GD&ĐT); Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Văn phòng UBND Thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội, đại diện lãnh đạo quận Đống Đa, Phòng GD&ĐT Đống Đa cùng dự.
Giáo viên thay đổi
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã trực tiếp đặt câu hỏi tới cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp giảng dạy theo chương trình mới; đồng thời, xuống tận lớp học, lắng nghe học sinh chia sẻ; khảo sát tại các phòng chức năng của nhà trường.
Câu hỏi đầu tiên được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tới giáo viên: Triển khai Chương trình GDPT 2018 đến nay, bản thân thầy cô thấy mình có gì mới so với trước? Một số thành viên đoàn giám sát cũng gửi câu hỏi liên quan đến tâm thế giáo viên khi triển khai chương trình mới.
Là phó hiệu trưởng, tham gia giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018 (môn Khoa học tự nhiên), cô Lê Thị Hương Mai đồng thời là giáo viên lớn tuổi nhất trong 15 giáo viên của Trường THCS Bế Văn Đàn tham gia bồi dưỡng lấy chứng chỉ dạy học tích hợp tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Trả lời câu hỏi từ đoàn giám sát, cô Hương Mai thẳng thắn chia sẻ có khó khăn khi triển khai:
“6 năm học lên tới thạc sĩ, tôi chỉ học một phân môn Sinh học, nhưng nhiều khi dạy vẫn còn nhiều thứ phải tiếp cận thêm vì tri thức luôn thay đổi. Giờ học thêm cả Vật lí, Hóa học, giáo viên trở thành sinh viên thực tập và giáo viên chính là đồng nghiệp và học sinh của mình. Trong các buổi sinh hoạt chuyên môn, giáo viên phụ trách mạch kiến thức nào sẽ hướng dẫn cho giáo viên phụ trách 2 mạch kiến thức còn lại. Mỗi giờ lên lớp, chúng tôi học được từ học sinh rất nhiều”.
Cô Hương Mai cũng chia sẻ điều mình tâm đắc nhất khi triển khai chương trình mới là SGK không còn là pháp lệnh và giáo viên được giao quyền tự chủ vô cùng lớn. Quyền tự chủ đó yêu cầu thầy cô phải có năng lực, trình độ cao hơn. Do đó, Luật Giáo dục nâng chuẩn trình độ của giáo viên là vô cùng chính xác.
Đoàn giám sát trò chuyện với học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn.
Cũng câu hỏi này, cô Phạm Thu Huyền, giáo viên dạy Văn cho rằng: Đổi mới chương trình, SGK là một chuyển đổi lớn. “Tôi nhớ khi mình học ở phổ thông, thầy cô là trung tâm, học sinh lắng nghe và ghi chép. Nhưng chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải có sự thay đổi về phương pháp. SGK dù thế nào thì kiến thức cũng khó theo kịp cuộc sống, nên thầy cô phải cung cấp cho học sinh “cần câu cá” chứ không phải cho “con cá”, cô Phạm Thu Huyền chia sẻ.
Cô Huyền cũng cho biết dạy học theo chương trình mới, sự tiến bộ của công nghệ khiến giáo viên phải không ngừng đổi mới về phương pháp, tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn. “Dạy theo tiếp cận năng lực là xu thế, không thể thay đổi. Đặc biệt, thời kỳ công nghệ đòi hỏi thầy cô phải dạy bằng phương pháp, kỹ năng, tư cách đạo đức của chính mình” - cô Huyền nói.
Nhắc đến sự xuất hiện của ChatGPT, cô Huyền cũng cho rằng, về kiến thức, thầy cô khó có thể chạy đua với công nghệ; do đó cần đặt cho học sinh vấn đề, tư duy, phương pháp giải quyết.
Tại buổi giám sát, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và thành viên trong đoàn cũng đặt câu hỏi cho cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường về việc: SGK nhà trường sử dụng có đúng là bộ nhà trường đề xuất hay không? Trường có mua thêm các bộ sách khác để giáo viên tham khảo? Có giáo viên nào phải bỏ việc vì áp lực? Việc dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Nội dung giáo dục địa phương…
Khẳng định của cô hiệu trưởng Đào Thị Hồng Hạnh, nhà trường đang sử dụng đúng bộ SGK do trường đề xuất. Cùng với đó cũng trang bị thêm các bộ sách khác để giáo viên tham khảo, khắc sâu hơn cho bài dạy. Về đội ngũ, không giáo viên nào của trường xin nghỉ. “Đó là hạnh phúc của người làm hiệu trưởng”, cô Hạnh chia sẻ.
Từ chia sẻ của giáo viên trực tiếp giảng dạy, có thể thấy việc triển khai môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí của nhà trường khá thuận lợi. Riêng Nội dung giáo dục địa phương có chút khó khăn do hiện mới chỉ có tài liệu PDF để giáo viên giảng dạy.
Thấm nhuần chương trình mới
Năm 2022-2023, Trường THCS Bế Văn Đàn có 1776 học sinh với 41 lớp, 87 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hiện nhà trường có có 20 lớp đang thực hiện chương trình mới.
Đánh giá về Chương trình GDPT 2018 qua thực tiễn triển khai tại trường, cô Đào Thị Hồng Hạnh, hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn cho rằng: Chương trình phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của Hà Nội nói chung và của trường THCS Bế Văn Đàn nói riêng. Nội dung kiến thức có tính ứng dụng thực tế nên học sinh hứng thú tiếp nhận kiến thức, phát huy được năng lực của học sinh.
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Bế Văn Đàn chia sẻ tại buổi giám sát.
“Toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã thấm nhuần chương trình mới. Các tiết dạy được đổi mới theo tinh thần Chương trình GDPT 2018”, cô Đào Thị Hồng Hạnh khẳng định.
Chia sẻ về thuận lợi, khó khăn khi triển khai tại trường, cô Đào Thị Hồng Hạnh cho biết: Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp. Đội ngũ giáo viên nhiệt tình, năng động, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn vững vàng, luôn học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Các tổ, nhóm chuyên môn đã xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp, được sự thẩm định của Ban giám hiệu nhà trường và được Phòng GD&ĐT phê duyệt.
Thiếu giáo viên ở một số môn học, nhưng nhà trường đã có giải pháp ký hợp đồng giảng dạy với 8 thầy cô. Bên cạnh khuyến khích, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn, trường chủ động mời chuyên gia tập huấn cho đội ngũ. Tạo điều kiện cho 15 giáo viên môn Khoa học tự nhiên bồi dưỡng lấy chứng chỉ môn tích hợp.
Cơ sở vật chất nhà trường về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Thiết bị dạy học còn thiếu. Tuy nhiên, trường đã cố gắng chủ động, linh hoạt khắc phục để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, chủ động mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học hằng năm, phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học, chuyển đổi số mạnh mẽ... Trên thực tế, một số trang thiết bị phục vụ cho chương trình GDPT 2006 vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 (ví dụ như phòng Tin học, đồ dùng của một số môn học…).
Hiện nay, UBND quận Đống Đa đã bố trí đủ nguồn kinh phí và làm quy trình để mua sắm, cung cấp trang thiết bị dạy học theo danh mục các trang thiết bị tối thiểu đã phê duyệt cho nhà trường.
“Đổi mới là cả quá trình và bao giờ cũng đi kèm với khó khăn thách thức. Nhưng đó cũng chính là cơ hội, động lực để nhà trường, thầy cô thay đổi, nỗ lực làm mới mình. Điều này nhà trường đã thấm nhuần. Chúng tôi hoàn toàn hy vọng vào một thế hệ học trò được phát triển đầy đủ cả về cả đức - trí - thể - mỹ. Mong quá trình thực hiện, sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương”, cô Đào Thị Hồng Hạnh bày tỏ.
Chiều cùng ngày, đoàn giám sát sẽ làm việc với quận Đống Đa (Hà Nội).